Lòng hồ Sông đà Quỳnh Nhai điểm trải nghiệm du lịch sinh thái lý tưởng
Cầu Pá Uôn điểm du lịch trải nghiệm đầu tiên khi du khách đến với Quỳnh Nhai.
Đến với Quỳnh Nhai điểm đầu tiên trong hành trình du lịch trải nghiệm lòng hồ sông Đà của du khách là cầu Pá Uôn thuộc địa phận xã Chiềng Ơn. Cầu Pá Uôn được xây dựng từ năm 2010 nằm trên quốc lộ 279 bắc qua sông Đà thuộc địa phận xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, cách thành phố Sơn La khoảng 70km, nay là huyết mạch giao thông vùng Tây Bắc nối Sơn La với các tỉnh Lai Châu, Điện Biên… Cầu có chiều dài 900m, rộng 9m với hai làn xe, sở hữu 11 trụ, trong đó trụ chính cao nhất lên tới 98,6m, cây cầu được xác lập kỉ lục Guiness Việt Nam có trụ cầu cao nhất Đông Nam Á. Nhìn từ xa, cây cầu giống như dải lụa vắt ngang dòng nước xanh biếc mênh mông. Hằng năm, tại đây diễn ra Lễ hội đua thuyền, Lễ hội gội đầu của các cô gái Thái Quỳnh Nhai.
Từ cầu Pá Uôn, du khách lên thuyền để trải nghiệm các khu du lịch sinh thái vùng lòng hồ. Từ trên thuyền có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên non nước hùng vĩ với những dãy núi đá dọc hai bên lòng hồ, những hòn đảo nhiều hình thù khác nhau. Nước hồ trong xanh như ngọc bích, tạo khung cảnh nên thơ để mọi người quay phim, chụp ảnh, ghi lại những hình ảnh đẹp nơi đây cùng bạn bè, người thân.
Sau gần một giờ đồng hồ di chuyển trên thuyền, tới đảo Trái tim, thuộc khu vực bản Hát Lếch, xã Chiềng Ơn. Nhìn từ trên cao, hòn đảo có hình giống như trái tim, rộng khoảng 1,3 ha. HTX Du lịch Quỳnh Nhai đã đầu tư xây dựng các hạng mục trên đảo để phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm các hoạt động: Đạp vịt, câu cá, xích đu; tham quan đồi hoa, đồi chong chóng, cầu kính tình yêu; thưởng thức các món ăn dân tộc truyền thống được chế biến từ cá sông Đà... Trung bình mỗi tháng, HTX đón gần 1.000 lượt khách tới tham quan, trải nghiệm. Điểm thu hút đông du khách là khu vực cầu kính tình yêu. Đứng trên cầu, phóng tầm mắt ra xa, du khách có thể ngắm những hòn đảo nổi, những dãy núi đá vôi sừng sững dọc bờ sông Đà.
Vịnh Uy Phong địa điểm lý tưởng thu hút đông đảo du khách.
Rời đảo Trái tim, điểm đến tiếp theo là vịnh Uy Phong (bản Khoang, xã Pá Ma Pha Khinh) - khu du lịch nổi trên mặt hồ được HTX Quỳnh Nhai Travel đầu tư xây dựng với các hạng mục: Nhà hàng, sân bóng chuyền hơi dưới nước, khu nuôi cá lồng... HTX Quỳnh Nhai Travel được thành lập vào tháng 2/2017, thời gian đầu thực hiện dịch vụ đưa du khách đi tham quan lòng hồ bằng thuyền. Được huyện hỗ trợ, HTX đã đầu tư, mở rộng quy mô hoạt động, với 2 tàu chở khách có sức chứa 40 và 60 người, hình thành các tour tham quan như: Mường La - Quỳnh Nhai; Quỳnh Nhai - Mường Lay (Điện Biên); phục vụ ẩm thực với các món ăn dân tộc. Ấn tượng đầu tiên Vịnh Uy Phong để lại trong lòng du khách là ngay cửa rẽ vào vịnh hai dãy núi đá dựng đứng sừng sững, uy phong giống như tên gọi. Tại khu nhà hàng nổi trên vịnh, du khách có dịp thưởng thức ẩm thực dân tộc với những món ăn đặc trưng địa phương, đặc biệt là chế biến từ cá sông Đà nổi tiếng. Xung quanh nhà hàng nổi là khu lồng nuôi cá, bên cạnh thú chơi câu cá, du khách còn có thể trải nghiệm cảm giác thú vị và mới lạ khi được cả đàn cá nhỏ massage chân khi thả chân xuống mặt nước hồ.
Cũng trên vùng lòng hồ, du khách có dịp đến với Mường Chiên, tham quan cột mốc đánh dấu trung tâm huyện Quỳnh Nhai cũ. Cột mốc được xây dựng trên đồi Truyền hình trước đây, phần cột mốc nhô lên khỏi mặt nước giữa không gian mênh mông sóng nước, phía xa là dãy núi Mường Chiên hùng vỹ, gợi nhớ về trung tâm huyện Quỳnh Nhai xưa, nay đã ngập sâu dưới lòng hồ hàng chục mét nước. Tới đây, du khách được nghe các câu chuyện xoay quanh lịch sử mảnh đất này. Từ năm 2006 - 2010, để thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về việc khởi công xây dựng dự án công trình nhà máy thủy điện Sơn La với công suất lớn nhất Đông Nam Á, nên Quỳnh Nhai phải di chuyển dân ra khỏi vùng hồ thủy điện đến 10 khu tái định cư với 65 bản cho các hộ dân; đồng thời di chuyển 9 xã, 99 bản và 8.435 hộ dân, hơn 38.000 nhân khẩu sang nơi ở mới.
Du khách thỏa sức khám phá, trải nghiệm trên lòng hồ Quỳnh Nhai.
Nằm trên vùng hồ thủy điện Sơn La, huyện Quỳnh Nhai hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái và khám phá thiên nhiên. Cùng với khai thác diện tích mặt hồ để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, huyện Quỳnh Nhai đã đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Hiện nay, đã có Công ty CP Cơ khí Sơn La, Công ty TNHH Thương mại và Du Lịch Tâm Anh Tây Bắc, Công ty TNHH xây dựng và phát triển Trung Kiên Tây Bắc, HTX Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai, HTX Quỳnh Nhai Travel... đã và đang đầu tư xây dựng khu du lịch lòng hồ tại xã Mường Giàng, Chiềng Ơn, Pá Ma Pha Khinh. Ngoài ra, còn có một số doanh nghiệp, HTX đang hoàn thiện các thủ tục để xây dựng nhà hàng, khách sạn, khu du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm tại lòng hồ Quỳnh Nhai.
Không chỉ có du lịch sinh thái lòng hồ, đến với Quỳnh Nhai, du khách có thể tham quan các điểm du lịch văn hóa tâm linh như đền Linh Sơn - Thủy Từ và Nàng Han, di tích lịch sử cây đa Pắc Ma (một chứng tích ghi dấu thắng lợi của quân và dân các dân tộc Sơn La trong kháng chiến chống Pháp), hay khám phá các bản văn hóa cộng đồng, tắm suối nước nóng bản Bon...
Huyện Quỳnh Nhai xác định đến năm 2030 phát triển du lịch trở thành Khu du lịch cấp tỉnh và là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp từ 10% GRDP của huyện, thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác. Huyện đang tập trung khai thác hợp lý các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái; tiến hành phục dựng, bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch, đưa sắc thái văn hóa thành sản phẩm du lịch, phát triển các đội văn nghệ để đảm bảo, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tổ chức phát triển các lễ hội truyền thống thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, tập trung vào các lễ hội như Đua thuyền, lễ hội Gội đầu, Nàng Han, Kinh Pang Then, Cầu mưa… Dựa trên tài nguyên, tiềm năng, thế mạnh lòng hồ Thủy điện Sơn La gắn với bản sắc văn hóa dân tộc và sản vật địa phương, Quỳnh Nhai sẽ trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách, góp phần làm phong phú thêm loại hình du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.